Tiến tới thanh toán bệnh phong
0235.3606365 (Khoa Ngoại, laser-Chăm sóc da thẩm mỹ) | dalieuquangnam@gmail.com

Tiến tới thanh toán bệnh phong

Ngày đăng: 00:00:00 06/02/2019

Ðến nay, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong trên quy mô tỉnh theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Nhằm hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh phong, cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của các cấp chính quyền và sự tham gia một cách chủ động của người dân trong công tác phòng, chống bệnh phong hiện nay.

Tiến tới thanh toán bệnh phong

Cán bộ Bệnh viện Da liễu T.Ư thăm, khám người mắc bệnh phong ở tỉnh Nghệ An. Ảnh: TUẤN MINH

Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên. Bệnh tiến triển lâu dài, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tàn tật nặng nề và sự kỳ thị của cộng đồng đối với người mắc bệnh. Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc loại trừ bệnh phong được chia thành hai khái niệm: Loại trừ bệnh phong và thanh toán bệnh phong. Loại trừ bệnh phong, nghĩa là tỷ lệ phát hiện người mắc bệnh phong mới dưới 1/100 nghìn người; tỷ lệ lưu hành bệnh dưới 0,2/10 nghìn người. Thanh toán bệnh phong, nghĩa là vùng, quốc gia "không còn đất" cho trực khuẩn gây bệnh phong, không còn người bệnh mắc bệnh phong mới xuất hiện...

Tại Việt Nam, kể từ khi chương trình phòng, chống bệnh phong (PCBP) trở thành chương trình mục tiêu y tế quốc gia từ năm 1995, công tác PCBP đã thu được nhiều kết quả. Tính đến hết năm 2015, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong tuyến tỉnh theo tiêu chuẩn Việt Nam... Hiện số lượng người tàn tật do bệnh phong ở cộng đồng khoảng 20 nghìn người và số lượng người bị phong tại các khu điều trị vào khoảng 1.800 người. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tàn tật, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh phong được các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, ngành y tế hết sức quan tâm. Tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho người bệnh và con em họ để có thể tự lập, tự chủ cuộc sống; tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí điều trị cho những người bệnh có bệnh da, hoặc có bất thường trên da để tìm bệnh phong một cách kịp thời và hiệu quả…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác PCBP ở nước ta còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như ở một số địa phương, sau khi được công nhận loại trừ bệnh phong cấp tỉnh, sự quan tâm của chính quyền có phần giảm sút, thiếu sự đầu tư tài chính và nhân lực. Mô hình quản lý hoạt động PCBP tuyến tỉnh có sự thay đổi ở nhiều nơi; đội ngũ làm công tác chống phong bị suy giảm. Hiện nay, người mắc bệnh phong đã xuất hiện trở lại ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Số người tàn tật do bệnh phong vẫn còn nhiều và cần được chăm sóc sức khỏe cả đời. Hiện, các cơ sở điều trị phong trên cả nước đang đối mặt tình trạng thiếu nhân lực, nguồn kinh phí dành cho công tác điều trị và chăm sóc người bệnh…

Ðể thực hiện tốt và hoàn thành các mục tiêu về PCBP giai đoạn 2016 - 2020, ngành y tế cần tiếp tục duy trì mạng lưới PCBP, củng cố mạng lưới phong - da liễu phù hợp. Ðẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về PCBP. Tổ chức các lớp tập huấn về dịch tễ bệnh phong; kiến thức về bệnh, các biện pháp và kỹ thuật phòng, chống tàn tật do bệnh phong gây ra; tăng cường công tác khám, phát hiện người bệnh phong mới theo phân vùng dịch tễ; khám lồng ghép với các chuyên khoa khác như: Lao, tâm thần, bướu cổ, sốt rét...

Duy trì và phát triển mạng lưới và đội ngũ làm công tác phong ở cả ba tuyến tỉnh, huyện, xã; hạn chế tới mức thấp nhất việc xáo trộn cán bộ chuyên trách. Tiếp tục duy trì các hoạt động PCBP ở tuyến tỉnh và tuyến y tế cơ sở, lồng ghép công tác PCBP vào mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu; công tác chăm sóc phòng, chống tàn tật và phẫu thuật phục hồi chức năng cho người tàn tật. Các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nguồn lực PCBP. Ðồng thời, tranh thủ sự tài trợ các tổ chức từ thiện và sự quan tâm của các địa phương để đào tạo nghề, phát triển kinh tế giúp người bệnh phong nâng cao chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.